CÁCH CHỌN HỘP NHỰA ĐỰNG SẢN PHẨM AN TOÀN
Trên thị trường có nhiều sản phẩm hộp nhựa đựng thực phẩm được quảng cáo có thể dùng trong lò vi sóng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tốt nhất nên chọn mua những đồ nhựa có độ trong, màu sắc sáng tươi, bề mặt sản phẩm không bị nhám, xước… Còn đối với lò vi sóng, tốt nhất nên dùng bát đĩa bằng thủy tinh, sành, sứ để hâm nóng hay rã đông thực phẩm.
Loại gì cũng có
Tại các hệ thống siêu thị như Co-opmax, BigC… ở TPHCM, người mua thoải mái lựa chọn hộp nhựa đựng thực phẩm từ loại dùng một lần rồi bỏ được quảng cáo làm nguyên liệu từ nhựa PP 100%, loại theo tiêu chuẩn FDA của Mỹ sử dụng trong môi trường từ -10oC đến + 120oC, giữ trái cây tươi trong 7 ngày… và giá bán chỉ hơn 30.000đ/10 hộp, cao nhất là 60.000đ/hộp như hộp Microban 2700ml, hàng nhập khẩu tại Thái Lan.
Ngoài ra, còn có các loại hộp nhựa kháng khuẩn Ag+, hộp nhựa làm từ nguyên liệu nhựa PP kết hợp chất kháng khuẩn microban có tác dụng phá vỡ cấu trúc tế bào của vi khuẩn, làm cho vi khuẩn không thể sinh trưởng..
Còn phần lớn hộp nhựa đựng thực phẩm bán ở các chợ tạm, vỉa hè, thường không nhãn mác và giá cũng rẻ hơn nhiều lần. Nhiều loại hộp được chủ hàng cho biết mua gốc ở Chợ lớn và gọi chung là “nhựa thường” giá chỉ 1.500 – 6.000đ/hộp có nắp, có thể đựng muối, bột ngọt và dùng cả muối dưa, cà…
Chị Nguyễn Mộng Hiếu, trú tại quận Phú Nhuận, TPHCM, sử dụng các kiểu hộp nhựa để trữ thức ăn trên ngăn đá, ngăn mát và đựng cả hoa quả gọt sẵn sau bữa ăn chỉ việc bưng ra tráng miệng. Chị dùng theo cảm quan loại mỏng dùng đựng ngăn đá, vỡ, hỏng mới loại bỏ, còn dày dặn hay có thương hiệu trên thị trường thì để ngăn mát, đựng thức ăn ngay.
Khó tránh khỏi ngộ độc khi sử dụng ở nhiệt độ cao
Theo PGS.TS Hồ Sơn Lâm, nghiên cứu viên cao cấp Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng, TPHCM, khi sử dụng để làm bao bì, hộp đựng ở nhiệt độ cao (đựng nước, sữa, thức ăn nóng) khả năng các chất phụ gia có trong nhựa sẽ thôi ra ngấm vào thức ăn. Hiện có loại nhựa chịu được nhiệt độ cao từ 150 – 200oC, tuy nhiên cần phải biết chính xác xuất xứ và chất lượng của nó. Vì nhựa mà chịu nhiệt độ cao chắc chắn nhà sản xuất sẽ phải trộn thêm một vài thành phần phụ gia, do đó về lâu dài khả năng ngộ độc xảy ra là điều không thể tránh khỏi.
TS Đặng Chí Hiền, trưởng phòng thí nghiệm Công nghệ Hóa dược phẩm, Viện Công nghệ Hóa học cho biết, nhựa PP (PolyPropylen) không độc hại với tính năng mềm dẻo phù hợp để sản xuất hộp đựng thực phẩm. Nhưng nếu PP tái chế từ rác, buộc phải dùng phụ gia cho nguyên liệu dẻo để định hình hình dáng mới. Những chất phụ gia này khi gặp thực phẩm nóng từ 70 – 80oC sẽ tạo ra những chất gây độc rất nguy hiểm với sức khoẻ con người.
Trên thị trường hiện có loại sản phẩm được giới thiệu là nhựa chịu nhiệt, có thể dùng để đựng thực phẩm nấu trong lò vi sóng. Loại nhựa này không bắt được sóng của lò viba (nên không bị nóng chảy khi nấu) nhưng thực phẩm đựng bên trong lại bắt được loại sóng này, nóng lên và chín. Nhiệt độ của thức ăn sẽ tác động vào sản phẩm nhựa, làm cho cấu trúc nhựa bị thay đổi và hậu quả là chất độc có thể thôi nhiễm ra thực phẩm.
Chọn sản phẩm an toàn
PGS.TS Nguyễn Cửu Khoa, viện trưởng Viện Công nghệ Hóa học cảnh báo, người tiêu dùng vẫn vô tư dùng túi, hộp nhựa để đựng cơm, canh và các thực phẩm nóng. Chúng có thể chứa một chất cực độc ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục nam, đó là chất DOP (dioctin phatalat). DOP tồn tại với tỷ lệ 5 – 10% trong các chất hóa dẻo được sử dụng. Nó tác dụng giống như hormon nữ nên rất có hại cho nam giới và bé trai khi cơ quan sinh dục chưa hoàn chỉnh. Tốt nhất nên chọn mua những đồ nhựa có độ trong, bóng cao, màu sắc sáng tươi, bề mặt sản phẩm không bị nhám, xước.
TS Đặng Chí Hiền khẳng định, biểu tượng hay nhãn “microwave-safe”, “microwavable” (sử dụng được trong lò vi sóng) trên các hộp nhựa chỉ có nghĩa rằng chúng sẽ không bị chảy, nứt vỡ hoặc tách rời ra khi quay trong lò vi sóng. Tốt nhất hãy dùng bát đĩa bằng thủy tinh, sành, sứ để hâm nóng hay rã đông thực phẩm trong lò vi sóng.